Dược đức là khái niệm chỉ đạo đức nghề nghiệp đặc thù của ngành Dược. Tại các trường đào tạo ngành dược, sinh viên luôn được hướng dẫn về tầm quan trọng của Dược đức. Dù không được quy định trong luật pháp, nhưng đây là những chuẩn mực đạo đức cần thiết cho người học ngành Dược và những ai hành nghề Dược. Bài viết này, Trung tâm tuyển sinh y dược MPE sẽ cung cấp cho bạn 10 điều dược đức mà bất kỳ sinh viên nào theo nghề dược đều phải nắm rõ
10 điều dược đức cần nắm rõ:
Điều 1. Lợi ích của người bệnh và sức khỏe nhân dân phải được đặt lên trên hết.
Điều 2. Tư vấn đúng, hướng dẫn cách sử dụng thuốc cụ thể, đúng cách đúng liều. Phải đảm bảo bán đúng giá để tiết kiệm chi phí cho người bệnh và quốc gia. Có thái độ tích cực và tích cực tuyên truyền kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.
Điều 3. Những bí mật đời tư của bệnh nhân phải tuyệt đối giữ bí mật. Nghiêm cấm tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào và tôn trọng quyết định người bệnh trong mọi trường hợp.
Điều 4. Người làm nghề Dược phải trung thực, thật thà, dũng cảm, tôn sư trọng đạo. Trong công việc, họ phải dành cho đồng nghiệp sự tôn trọng cũng như tinh thần đoàn kết. Hãy sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm để hỗ trợ bệnh nhân tối đa và cùng nhau tiến bộ.
Điều 5. Khi hành nghề, 10 điều Dược đức yêu cầu luôn phải giữ tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Không vì các mục đích cá nhân mà làm tổn hại đến sức khoẻ và quyền lợi người bệnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến danh dự và phẩm chất người Dược sĩ.
Điều 6. Nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp thông qua học tập. Tích cực tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy và cải tiến để đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ cộng đồng.
Điều 7. Trong công việc, Dược sĩ cần có tinh thần trách nhiệm cao và tránh xa những cám dỗ. Tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội và thực hiện một đời sống văn minh
Điều 8. Cần hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế khác trong nhiệm vụ phòng chống các dịch bệnh, khám chữa hay nghiên cứu khoa học.
Điều 9. Với Đảng, nhà nước và cơ quan quản lý thuốc phải tuyệt đối trung thành. Nghiêm túc và tích cực tham gia phòng chống những biểu hiện, những hoạt động tiêu cực khi làm nghề.
Điều 10. Đảm bảo chấp hành theo pháp luật về chuyên môn, thực hiện đúng chính sách về thuốc. Không được lợi dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân hay hỗ trợ người khác. Nếu xảy ra vi phạm phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
7 Nguyên Tắc Đạo Đức Hành Nghề Dược
Những năm qua, nhiều văn bản pháp luật về đạo đức nghề Dược đã được ban hành và chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn. Gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BYT, trong đó quy định 7 nguyên tắc đạo đức hành nghề Dược. Dù số lượng thay đổi, nhưng nội dung và yêu cầu vẫn giữ nguyên nhằm đảm bảo tính chuẩn mực và trách nhiệm của người hành nghề và đảm bảo người hành nghề dược luôn tuân theo 10 điều dược đức
Nguyên Tắc 1: Tuân Thủ Pháp Luật
Mọi dược sĩ phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, họ cần tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và điều lệ của tổ chức xã hội mà họ tham gia.
Nguyên Tắc 2: Luôn Rèn Luyện, Tu Dưỡng Bản Thân
Dược sĩ cần không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp và trách nhiệm nghề nghiệp. Họ phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn và tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn qua việc học tập, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới cũng là điều cần thiết.
Nguyên Tắc 3: Trách Nhiệm Với Nghề Nghiệp
Dược sĩ cần coi trọng và giữ gìn uy tín nghề nghiệp, tuyệt đối tránh những hành vi làm tổn hại đến danh dự của bản thân và đồng nghiệp. Việc tuân thủ các quy định chuyên môn là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình cung cấp thuốc cho bệnh nhân.
Nguyên Tắc 4: Bảo Mật Thông Tin Người Bệnh
Dược sĩ phải tôn trọng và bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của bệnh nhân. Chỉ khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc theo quy định của pháp luật, thông tin này mới được công bố.
Nguyên Tắc 5: Quan Hệ Với Đồng Nghiệp, Tổ Chức
Mối quan hệ với đồng nghiệp phải dựa trên sự trung thực, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau. Dược sĩ không được phép thực hiện các hành vi trái đạo đức hay pháp luật để đạt lợi thế trong nghề nghiệp. Họ cũng cần hỗ trợ và giám sát đồng nghiệp, đặc biệt là những người mới vào nghề, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn và tuân thủ các quy chuẩn đạo đức.
Nguyên Tắc 6: Quan Hệ Với Người Thực Hành Chuyên Môn
Dược sĩ có trách nhiệm hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cho người thực hành. Họ phải công bằng, không phân biệt đối xử và không lợi dụng người khác để trục lợi cá nhân.
Nguyên Tắc 7: Quan Hệ Với Cơ Quan, Tổ Chức, Cá Nhân Liên Quan
Dược sĩ cần chấp hành các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước và hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời và an toàn. Việc loại bỏ các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động nghề cũng là một trách nhiệm quan trọng.
10 điều Dược đức là kim chỉ nam cho những ai theo đuổi nghề Dược, giúp họ không chỉ vững vàng trong chuyên môn mà còn tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Dù bạn theo học dược chính quy, dược liên thông hay văn bằng 2 thì những nguyên tắc này luôn được đề cao trong quá trình giảng dạy và đào tạo. Điều này sẽ giúp bạn trở thành một Dược sĩ có đạo đức và trách nhiệm cho xã hội